Bệnh mề đay mãn tính đặc trưng bởi tình trạng da nổi mề đay kéo dài hơn 6 tuần. So với bệnh mề đay cấp tính, các triệu chứng mề đay ở giai đoạn này thường kéo dài dai dẳng, rất dễ tái phát và các phương pháp điều trị thường không mang lại hiệu quả cao. Mề đay mãn tính nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách có thể gây ra các biến chứng nặng nề.
Bệnh mề đay mãn tính là gì?
Mề đay mãn tính là bệnh mề đay có các tổn thương kéo dài hơn 6 tuần, bệnh đặc trưng bởi tình trạng da nổi sẩn màu hồng, trắng nhạt, đỏ, nổi phát ban gây ngứa ngáy, nóng rát khó chịu.
Bệnh nổi mề đay là một trong các bệnh lý ngoài da phổ biến, xuất hiện khoảng từ 10 – 20% dân số của thế giới. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều có xu hướng thuyên giảm trong vòng 6 tuần. Theo thống kê, chỉ có khoảng 5% ca bệnh mề đay kéo dài, tái đi tái lại trên 6 tuần.
Gần giống với mề đay cấp tính, bệnh mề mãn tính chỉ gây ra các tổn thương trên bề mặt da, rất ít trường hợp ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể người bệnh.
Các triệu chứng mề đay mãn tính thường kéo dài dai dẳng và thường tái phát khi gặp điều kiện thuận lợi nên có thể ảnh hưởng đến chức năng thẩm mỹ, giảm mức độ tâm trung, suy giảm chất lượng giấc ngủ và cuộc sống.
Nguyên nhân gây mề đay mãn tính
Theo các chuyên gia đầu ngành, có khoảng 20 – 30% ca bệnh mề đay mãn tính xác định được nguyên nhân, trong đó phần lớn là các yếu tố bên ngoài như:
- Mề đay do dị ứng (thời tiết, nấm mốc, phấn hoa,…là các dị nguyên gây ra mề đay mãn tính)
- Mề đay do áp lực (làn da ma sát với quần áo, giày dép hoặc các vật dụng cá nhân khác)
- Mề đay giao cảm (mề đay xuất hiện sau khi vận động, sau khi tắm hoặc thay đổi cảm xúc đột ngột)
- Mề đay do nước
- Mề đay do nhiệt độ (nhiệt độ thay đổi đột ngột, thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh)
- Mề đay khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời
Từ thống kê cũng có thấy 70 – 80% trường hợp mắc mề đay mãn tính không thể xác định được căn nguyên gây bệnh, các trường hợp này được gọi là mề đay mãn tính tự phát/ vô căn. Ngoài ra, một số trường hợp mắc bệnh mề đay mãn tính do ảnh hưởng của các bệnh lý tiềm ẩn như:
- Suy giảm chức năng thận, gan
- Nhiễm trùng mãn tính
- Nhiễm giun sán
- Nhiễm chủng vi khuẩn HP (Helicobacter pylori)
- Các vấn đề về tuyến giáp và một số bệnh tự miễn
Các triệu chứng bệnh mề đay mãn tính
Về hình thái tổn thương do mề đay mãn tính gây ra không quá khác với mề đay cấp tính. Tuy nhiên, ở giai đoạn mãn tính, các biểu hiện bệnh lý thường tiến triển chậm, ít lan rộng và chỉ gây ngứa âm ỉ.
Các triệu chứng nhận biết của mề đay mãn tính:
- Trên da xuất hiện các sẩn ngứa, phát ban kéo dài hơn 6 tuần
- Khu vực nổi mề đay gây ngứa ngáy âm ỉ và ngứa nhẹ (rất ít trường hợp cơn ngứa bùng phát mạnh mẽ như mề đay cấp tính)
- Bệnh mề đay mãn tính thường xuất hiện nhiều ở người trưởng thành, nhất là ở nữ giới
Tình trạng tổn thương da do mề đay mãn tính gây ra là hệ quả khi hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể IgE. Kháng thể này sẽ kích thích nhằm giải phóng chất trung gian gây kích ứng dị ứng hay còn gọi là histamin vào niêm mạc, da, từ đó bùng phát các triệu chứng lâm sàng.
Mề đay mãn tính có nguy hiểm không?
Tuy đặc tính tổn thương kéo dài dai dẳng, dễ tái đi tái lại nhưng bệnh mề đay mãn tính ít gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Và ngược lại, mề đay ở giai đoạn cấp tính tuy dễ thuyên giảm, xuất hiện trong thời gian ngắn nhưng lại có thể gây sốc phản vệ, phù mạch đe dọa đến tính mạng.
Tuy nhiên, các triệu chứng bệnh mề đay mãn tính có thể làm suy giảm chất lượng giấc ngủ, chức năng thẩm mỹ, tạo tâm lý tự ti, khiến chất lượng cuộc sống bị suy giảm.
Hơn nữa, bệnh nếu không được kiểm soát và chữa trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng như:
Da bị chàm hóa: Chàm hóa là tình trạng khu vực da bị tổn thương do mề đay có hiện tượng dày sừng, nứt nẻ, khô ráp, có thể gây chảy máu gần giống với bệnh chàm. Da bị chàm hóa có thể gây mất thẩm mỹ, để lại sẹo, thâm và tăng nguy cơ bị bội nhiễm.
Thâm nhiễm da: Mề đay mãn tính có tính chất kéo dài dai dẳng và gây ngứa âm ỉ nên người bệnh thường có xu hướng cào gãi, chà xát lên vùng da bị bệnh. Hành động này lặp đi lặp lại có thể khiến da trở nên dày sừng và thâm nhiễm.
Khởi phát một số bệnh dị ứng khác: Bệnh mề đay mãn tính nếu không được khắc phục có thể kích thích hệ thống miễn dịch sản sinh ra các kháng thể IgE. Khi nồng độ kháng thể trong huyết thanh tăng cao sẽ kích thích các bệnh dị ứng khởi phát như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, bệnh chàm, viêm da dị ứng,…
Các biện pháp điều trị mề đay mãn tính
Việc điều trị mề đay mãn tính thường gặp rất nhiều khó khăn vì bệnh lý có khả năng tái phát cao, đáp ứng điều trị kém và hầu hết các trường hợp bệnh đều không xác định được nguyên nhân cụ thể gây bệnh.
Do đó, bên cạnh sử dụng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, bạn nên kiểm soát các triệu chứng mề đay mãn tính bằng cách loại trừ các yếu tố thuận lợi, đồng thời áp dụng các biện pháp chăm sóc đúng cách.
Sử dụng thuốc Tây cải thiện các triệu chứng
Bệnh mề đay mãn tính không có thuốc đặc trị, do đó các loại thuốc được bác sĩ chuyên khoa sử dụng với mục đích cải thiện các triệu chứng cũng như hạn chế nguy cơ bệnh tái phát.
Dựa vào mức độ bệnh lý và độ tuổi người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc phù hợp. Dưới đây là một số loại thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh mề đay mãn tính:
Nhóm thuốc kháng histamin
Histamin là thành phần trung gian gây kích thích các triệu chứng mề đay khởi phát. Do đó, các loại thuốc kháng histamin thường được ưu tiên trong điều trị bệnh mề đay cấp tính và mãn tính.
Thông thường bác sĩ có thể sử dụng các loại thuốc kháng histamin H1 để cải thiện các triệu chứng ngứa ngáy, sưng viêm.
Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn ngủ, mất tập trung, nên hiện nay bác sĩ thường dùng thuốc kháng histamin H1 thế hệ II để khắc phục tình trạng trên.
Trường hợp, nhóm thuốc kháng histamin H1 không đáp ứng điều trị tốt, bác sĩ có thể sẽ kết hợp với thuốc kháng histamin H2.
Các loại thuốc ở nhóm này thường được chỉ định trong điều trị các bệnh lý tiêu hóa do tăng tiết axit dịch vị dạ dày. Tuy nhiên, trước khi phóng thích vào niêm mạc và da, histamin phải đi qua thụ thể H1 và H2.
Do đó, khi kết hợp 2 nhóm thuốc này có tăng tăng hiệu quả điều trị, chống dị ứng, kiểm soát các triệu chứng của bệnh mề đay mãn tính hiệu quả.
Thuốc chứa corticoid
Các loại thuốc chứa corticoid có tác dụng chống dị ứng, chống viêm hiệu quả. Thuốc khi được dung nạp vào cơ thể người bệnh sẽ hoạt động bằng cách ứng chế miễn dịch nên có thể gây ra các rủi ro, biến chứng nguy hiểm như tăng huyết áp, loãng xương, viêm loét dạ dày, suy tuyến thượng thận.
Do đó, bác sĩ chỉ sử dụng các loại thuốc corticoid trong thời gian điều trị trong thời gian ngắn, khi các loại thuốc kháng histamin không đáp ứng điều trị.
Về hiệu quả điều trị mề đay mãn tính của nhóm thuốc chứa corticoid được đánh giá khá cao, nhất là với các trường hợp mắc bệnh mề đay mãn tính tự miễn và vô căn.
Thuốc kháng leukotrien
Tương tự với histamin, leukotrien là hoạt chất trung gian kích thích phản ứng dị ứng. Do đó, đối với các trường hợp sử dụng thuốc kháng histamin không đáp ứng tốt, bác sĩ có thể kết hợp với các loại thuốc leukotrien.
Các loại thuốc ức chế miễn dịch
Thuốc ức chế miễn dịch thường được chỉ định trong cải thiện các triệu chứng mề đay mãn tính do các bệnh tự miễn và mề đay vô căn.
Nhóm thuốc ức chế miễn dịch có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng nên sẽ được bác sĩ cân nhắc, trường hợp không đáp ứng được các loại thuốc kháng histamin, leukotrien và phụ thuộc corticoid.
Các loại thuốc ức chế miễn dịch thường được bác sĩ chỉ định trong điều trị mề đay mãn tính như: Cyclophosphamide, Cyclosporine và Methotrexate.
Thuốc Omalizumab
Thuốc Omalizumab thường được bác sĩ chỉ định đối với các trường hợp mề đay vô căn giai đoạn mãn tính và hen suyễn không đáp ứng tốt điều trị bằng thuốc kháng histamin H1. Thuốc có khả năng ức chế kháng thể IgE, giảm phóng thích histamin dưới da, từ đó làm giảm các triệu chứng của bệnh lý.
Điều trị một số bệnh lý tiềm ẩn
Bệnh mề đay mãn tính cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý tiềm ẩn như nhiễm vi khuẩn HP, nhiễm trùng mãn tính, nhiễm giun sán, suy giảm chức năng gan thận và các vấn đề về tuyến giáp. Đối với các trường hợp này, mề đay sẽ có xu hướng kéo dài dai dẳng và không đáp ứng tốt các loại thuốc điều trị.
Do đó, nếu có dấu hiệu hoặc nghi ngờ bệnh mề đay mãn tính xuất phát từ các bệnh lý tiềm ẩn, người bệnh nên chủ động đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán để áp dụng các biện pháp điều trị kịp thời.
Các biện pháp kiểm soát bệnh mề đay mãn tính
Bệnh mề đay mãn tính có tính chất kéo dài và tái đi tái lại nhiều lần. Do đó, song song với việc sử dụng các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bạn có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc để hỗ trợ quá trình điều trị cũng như phòng ngừa bệnh tái phát lâu dài.
Dưới đây là một số biện pháp chăm sóc được áp dụng phổ biến trong điều trị bệnh mề đay mãn tính:
- Tẩy giun sán theo định kỳ, nhất là đối tượng trẻ nhỏ
- Ngưng sử dụng các loại thuốc, thực phẩm, mỹ phẩm mà bạn nghi ngờ gây ra tình trạng dị ứng. Tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và khắc phục kịp thời.
- Hạn chế hoạt động, tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời có cường độ mạnh (tầm 9:00 – 16:00). Khi hoạt động ngoài trời, bạn nên mang khẩu trang, sử dụng kem chống nắng, che chắn cẩn thận để tránh tia UV ảnh hưởng đến làn da.
- Tránh cào gãi, chà xát lên vùng da tổn thương vì có thể gây trầy xước, chảy máu, tăng nguy cơ nhiễm trùng và bội nhiễm. Để làm dịu cơn ngứa do mề đay mãn tính gây ra bạn có thể đắp khăn lạnh hoặc tắm với nước mát.
- Tránh tắm nước quá nóng và hạn chế tiếp xúc với nguồn nước lạ.
- Tránh tập các môn thể thao, vận động gây đổ nhiều mồ hôi, tăng thân nhiệt có thể gây kích thích bùng phát các triệu chứng mề đay mãn tính. Thay vào đó, người bệnh có thể luyện tập các bài tập yoga, ngồi thiền và bơi lội giúp nâng cao thể trạng, giải tỏa căng thẳng.
- Kiểm soát cảm xúc, giảm stress, căng thẳng quá mức bằng cách ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý.
Bệnh mề đay mãn tính có tính chất kéo dài và tái lại nhiều lần, do đó người bệnh cần nghiêm túc điều trị và thực hiện các biện pháp chăm sóc đúng cách để bệnh được khắc phục. Trường hợp nghi ngờ nổi mề đay là dấu hiệu của các bệnh lý tiềm ẩn, bạn nên chủ động đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.