Nhiều người không hề xa lạ với bệnh viêm da tiếp xúc. Đây là một bệnh lý da liễu phổ biến gây nên bởi nhiều nguyên nhân khác nhau và có thể xuất hiện ở nhiều đối tượng. Vậy đây là bệnh gì, có nguy hiểm và lây lan không? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chung, nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, cách điều trị dứt điểm cũng như phòng ngừa hiệu quả để bạn đọc nắm rõ.
Viêm da tiếp xúc là bệnh gì? Bệnh có lây không?
Viêm da tiếp xúc là bệnh lý ngoài da phổ biến, xuất hiện khi cơ thể bị tác động bởi yếu tố gây kích ứng từ bên ngoài. Biểu hiện ban đầu người bệnh xuất hiện các vùng da mẩn đỏ, đau rát, ngứa ngáy, nặng hơn có thể kèm theo mụn nước, lở loét, có ổ mủ,…
Bệnh lý thường chỉ xuất hiện và tồn tại khu trú tại vị trí tiếp xúc với tác nhân gây kích ứng, ít khi lan rộng. Tuy nhiên, nếu bệnh không được điều trị kịp thời sẽ có thể lan rộng ra toàn thân và khó chữa dứt điểm.
Viêm da tiếp xúc có lây không? – Theo các chuyên gia da liễu thì đây không phải là bệnh truyền nhiễm qua tiếp xúc. Tuy nhiên, bệnh lý này có thể di truyền từ bố mẹ sang con cái.
Hình ảnh viêm da tiếp xúc và các dạng bệnh thường gặp
Bệnh sẽ xuất hiện sau khi tiếp xúc với dị nguyên gây kích ứng từ 1-2 ngày. Vùng da tiếp xúc xuất hiện vết mẩn đỏ ngoài da, có thể nổi hằn rõ ranh giới gây ngứa ngáy, khó chịu
Với trường hợp cấp tính và nặng, người bệnh sẽ bị nổi mụn nước trên da. Cần lưu ý để các mụn nước không bị vỡ, dịch tiết ra ngoài lây lan ra xung quanh và ngứa ngáy dữ dội, có thể gây nhiễm trùng
Sau một thời gian, các vết mẩn ngứa khô se bề mặt, đóng vảy, thậm chí đổi màu sang nâu đen sậm do biến đổi sắc tố da. Bệnh kéo dài lâu ngày, diễn tiến sang giai đoạn mãn tính hình thành vết sần rắn chắc trên da, bong vảy, gây mất thẩm mỹ
Một số hình ảnh viêm da tiếp xúc thường gặp:
Tùy theo cách phân loại mà viêm da tiếp xúc được chia ra thành các dạng khác nhau.
Phân loại viêm da tiếp xúc theo đối tượng
Có 2 dạng bệnh đơn giản phân theo lứa tuổi như sau:
- Tình trạng viêm da ở trẻ nhỏ: Hệ miễn dịch ở trẻ nhỏ chưa hoàn thiện nên các triệu chứng xuất hiện và diễn tiến nghiêm trọng hơn, cần điều trị sớm.
- Tình trạng viêm da ở người lớn: Xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, khi người bệnh tiếp xúc với các dị nguyên từ môi trường ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể
Phân loại theo vị trí
- Xuất hiện trên mặt: Các vết mẩn đỏ ngoài da thường mẩn đỏ, phù nề mặt, tiết dịch đi kèm mụn nước
- Xuất hiện ở tay chân: Nhiều mụn nước ở mu bàn tay, mu bàn chân và kéo theo tổn thương móng
- Xuất hiện ở mí mắt: Vùng mí mắt phù nề, sưng to, đỏ rát, gây đau và ngứa, giảm thị lực, có thể kèm theo viêm kết mạc
- Xuất hiện ở dái tai: Nguyên nhân thường do đeo khuyên tai không đảm bảo, gây viêm da. Xuất hiện các vết chàm, mụn nước, tiết dịch từ tai
- Xuất hiện ở da dầu: Da đầu ngứa dữ dội, nhiều gàu, bong tróc thành từng mảng da đỏ, mất thẩm mỹ
- Xuất hiện ở môi: Môi khô, bong tróc từng mảng, chảy máu, ngứa môi và đau rát
Phân loại theo thể bệnh
Dựa theo các thể bệnh, có thể chia thành:
- Viêm da tiếp xúc dị ứng: Xuất hiện ngay sau khi tiếp xúc với các dị nguyên gây dị ứng từ môi trường ngoài. Cách điều trị dứt điểm tình trạng này là loại bỏ dị nguyên dị ứng ra khỏi môi trường.
- Viêm da tiếp xúc bội nhiễm: Tổn thương nặng hơn do vùng da bị nhiễm trùng
Nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc gây ra do dị nguyên ngoài môi trường tác động vào các vùng da lành trên cơ thể. Các dị nguyên thường gặp có thể kể đến như sau:
- Sản phẩm trang điểm, chăm sóc da, dưỡng thể, sản phẩm làm sạch (sữa tắm, dầu gội, sữa rửa mặt,…)
- Hóa chất tẩy rửa (nước rửa bát, nước rửa tay, dung dịch tẩy rửa bồn cầu,…)
- Sử dụng đồ dùng từ lông tơ
- Vật liệu gây kích ứng từ chăn ga, đệm nằm, quần áo,….
- Do côn trùng đốt (nguyên nhân phổ biến)
- Môi trường ô nhiễm (khói bụi, chất thải hóa học, ….)
- Dị ứng ánh sáng
- Dị ứng thuốc sử dụng: thuốc kháng sinh, thuốc bôi, thuốc bổ khác,….
- Dị ứng với vật dụng từ kim loại (niken, bạc, inox,…)
- Kích ứng với mủ, nhựa từ hoa quả, cây cối
Thực tế, khó có thể liệt kê được tất cả các loại dị nguyên gây viêm da tiếp xúc. Do đó, khi có các biểu hiện ngoài da, người bệnh nên đi khám từ sớm để được chẩn đoán và xác định chính xác nguyên nhân, từ đó có phương pháp điều trị kịp thời.
Triệu chứng nhận biết viêm da tiếp xúc
Các triệu chứng viêm da do tiếp xúc với chất dị ứng không khác nhiều so với viêm da thông thường. Trong một số trường hợp người bệnh có thể xuất hiện một số triệu chứng khác biệt. Theo đó, các dấu hiệu điển hình của bệnh có thể kể đến như:
- Nổi các vết mẩn đỏ li ti trên da (tại vùng da bị kích ứng), nếu không giữ gìn có thể lan rộng ra những khu vực khác
- Vùng da phát ban có tình trạng phù nề hơn các khu vực khác, tình trạng tùy thuộc mức độ mỗi bệnh nhân
- Mụn nước xuất hiện, ban đầu nhỏ li ti tại khu vực phát ban rồi tăng dần kích thước
- Người bệnh ngứa ngáy tại vùng da bị viêm, càng gãi tình trạng ngứa càng tăng và ửng đỏ
- Nếu nguyên nhân gây viêm do côn trùng đốt, người bệnh có thể xuất hiện các vết mề đay kích thước lớn, trên diện rộng
- Nếu có dấu hiệu bội nhiễm, vùng da bị viêm có thể đổi màu (do thay đổi sắc tố da)
Ngay khi thấy các triệu chứng bất thường, người bệnh nên đến bệnh viện để thăm khám và điều trị đúng cách. Tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc bôi, trị ngứa ngoài da tại nhà hoặc bất kỳ loại thuốc dị ứng nào khác.
Viêm da tiếp xúc có để lại sẹo không? Có nguy hiểm không?
Thời gian kéo dài của bệnh viêm da tiếp xúc còn tùy thuộc vào tình trạng bệnh và mức độ ảnh hưởng của tác nhân trên da. Có thể khẳng định, đây không phải dạng dị ứng thông thường nên không thể khỏi ngay mà không cần điều trị.
Không những thế, viêm da gây ra do các tác nhân kích ứng sâu thông qua các lớp biểu bì trên da. Do đó, nếu người bệnh không giữ gìn trong quá trình điều trị, để lại sẹo thâm là việc hoàn toàn có thể xảy ra. Người bệnh nên đi khám da liễu từ sớm để được điều trị ngay từ đầu và tránh các biến chứng nguy hiểm khác.
Một số nguy cơ tiềm ẩn của bệnh lý này có thể kể đến như sau:
- Nhiễm trùng ngoài da: Với tình trạng này, người bệnh sẽ phải sử dụng kết hợp thuốc kháng sinh và thuốc chống viêm, tiêu diệt ổ khuẩn để bệnh khỏi hoàn toàn. Nếu xử lý sai cách, ổ khuẩn có thể xâm nhập sâu hơn vào dây thần kinh, xương, mô mềm và đi sâu hơn vào máu.
- Viêm da thần kinh: Là một thể liken hóa với triệu chứng điển hình là ngứa rát khó chịu, dữ dội hơn về đêm. Lớp vảy bong tróc, gây sừng hóa, dễ bị loét gây đau. Tình trạng này không được điều trị tốt sẽ gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh
- Để lại sẹo thâm kéo dài: Các vết tổn thương gây ra bởi viêm da thường ăn sâu vào các lớp biểu bì trên da. Nếu không điều trị dứt điểm sẽ để lại sẹo thâm khó điều trị, gây mất thẩm mỹ.
Viêm da tiếp xúc không chỉ có nguy cơ để lại biến chứng ngoài da, người bệnh còn bị ảnh hưởng về tâm lý do các vết mẩn ngứa ngoài da. Tình trạng ngứa ngáy về đêm khiến người bệnh khó ngủ, ngủ không sâu, ảnh hưởng đến sức khỏe chung và gây suy nhược cơ thể.
Viêm da tiếp xúc điều trị như thế nào?
Phương pháp điều trị viêm da tiếp xúc còn tùy thuộc vào tình trạng và mức độ bệnh của mỗi người. Người bệnh nên đi khám tại các cơ sở chuyên về da liễu để được điều trị đúng cách nhất. Dựa vào các biểu hiện lâm sàng bên ngoài, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm thích hợp để đưa ra phác đồ điều trị.
Dùng thuốc bôi viêm da tiếp xúc
Với người bệnh có các triệu chứng ngoài da nặng hoặc có các biểu hiện cấp tính, phương pháp Tây y là phù hợp nhất. Tùy tình trạng người bệnh mà có thể kê thuốc uống hoặc thuốc bôi phù hợp. Một số trường hợp có mụn mủ, chảy dịch, nhiễm trùng….người bệnh có thể được kê thêm thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống viêm
Cụ thể như sau:
- Hồ nước: Hồ nước còn có tác dụng ngăn ngừa các vết viêm da lan rộng ra các vùng da lành trên cơ thể, làm dịu và giảm triệu chứng nóng đỏ, mụn nước, mụn mủ trên da
- Thuốc kháng H1: Với viêm da tiếp xúc dị ứng, người bệnh được chỉ định dùng thêm nhóm thuốc chống dị ứng. Nhóm thuốc này nhằm cải thiện các triệu chứng mẩn đỏ ngoài da, làm dịu vùng da bị tổn thương gây khó chịu cho người bệnh
- Thuốc bôi chứa corticoid: Nhóm thuốc bôi bên ngoài có tác dụng chống viêm, giảm ngứa và sưng đỏ. Nếu người bệnh bị viêm nhiễm nặng hơn có thể phải sử dụng corticoid dạng viên uống
- Dung dịch Jarish: Thành phần chính gồm nước cất; Acid boricum; Glycerum. Tác dụng chính là cải thiện các tổn thương ngoài da, khử trùng và giảm triệu chứng sưng đỏ ngoài da.
Các nhóm thuốc Tây có ưu điểm hiệu quả nhanh nhưng có nguy cơ gây tác dụng phụ nếu dùng không đúng cách. Do đó, người bệnh cần lưu ý tuân theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, không tự ý ngưng thuốc khi chưa dùng hết liều dù triệu chứng đã thuyên giảm
Bài thuốc Đông y trị viêm da tiếp xúc
Nguyên tắc điều trị viêm da tiếp xúc trong Đông y là đi từ căn nguyên gây bệnh, loại bỏ hoàn toàn tác từ gốc rễ của bệnh. Bên cạnh đó, các bài thuốc hỗ trợ cân bằng âm dương, điều hòa cơ thể, lưu thông khí huyết, đẩy lùi tác nhân gây bệnh ra khỏi cơ thể
Một số bài thuốc Đông y trị các tình trạng viêm da do kích ứng như:
- Bài thuốc số 1: Chuẩn bị kim ngân hoa, liên kiều, đậu cổ, ngưu bàng mỗi loại 8g; mộc thông 10g; bạc hà, cát cánh mỗi loại 6g; kinh giới 4g. Mỗi ngày sử dụng một thang, kiên trì đều đặn dùng ít nhất 1 tháng
- Bài thuốc số 2: Chuẩn bị huyền sâm, tri mẫu, liên kiều, đan bì, trúc diệp, cát cánh, sơn chi, hoàng cầm mỗi loại 8g; hoàng liên 4g; tê giác 2g; sinh địa 16g; thạch cao 40g; Sắc thuốc uống đều đặn mỗi ngày, không bỏ thuốc giữa chừng giảm hiệu quả trong việc điều trị
Điều trị nhanh chóng tại nhà bằng mẹo dân gian
Với bệnh mức độ nhẹ, người bệnh có thể áp dụng điều trị bằng các mẹo dân gian tại nhà. Nguyên liệu của phương pháp này tương đối dễ kiếm, sử dụng lâu dài không có tác dụng phụ.Tuy nhiên, người bệnh cũng cần lưu ý đây chỉ là biện pháp hỗ trợ điều trị, không nên lạm dụng khi bệnh diễn tiến nặng hơn
- Bài thuốc từ lá chè xanh: Người bệnh chỉ cần đun nước uống hàng ngày hoặc hòa với nước nguội, ngâm rửa vùng da bị viêm mỗi ngày (với trường hợp viêm da kích ứng diện rộng, có thể hòa với nước tắm)
- Bài thuốc từ cây sài đất: Giữ toàn bộ cả cành và lá của cây sài đất, rửa sạch và đun lấy nước tắm. Hòa thêm với nước điều chỉnh nhiệt độ nước, tắm và dùng bã cây thoa nhẹ lên vùng da bị viêm
- Bài thuốc từ lá trầu không: Đun nước lá trầu không để tắm hàng ngày hoặc ngâm rửa vùng da bị viêm. Nên vò nát lá trầu không trước khi cho vào đun để thành phần hoạt tính hòa tan hoàn toàn, tăng hiệu quả điều trị
Viêm da tiếp xúc kiêng gì, lưu ý gì trong quá trình điều trị
Viêm da tiếp xúc là bệnh ngoài da, do đó việc giữ gìn kiêng khem rất quan trọng để nâng cao hiệu quả điều trị. Trong quá trình chữa trị, người bệnh cần lưu ý:
- Giữ vệ sinh sạch sẽ vùng da bị viêm, không để ứ đọng mồ hôi kéo dài, nhất là thời điểm nóng nực
- Kiêng ăn những thực phẩm có khả năng gây kích ứng: hải sản có vỏ, các loại hạt, đồ nếp, rau muống,….
- Hạn chế gãi, gây xước da và có nguy cơ nhiễm trùng
- Mang mặc quần áo dài tay che chắn khi ra ngoài, tránh tiếp xúc với gió lạnh và ánh nắng mặt trời
- Bổ sung nhiều rau củ, hoa quả giàu vitamin C,….nâng cao sức đề kháng cho cơ thể
- Dành thời gian nghỉ ngơi, tránh làm việc quá sức, vận động nhiều trong thời gian này
- Hạn chế sử dụng mỹ phẩm trang điểm, đồ dưỡng da nhiều thành phần
- Hạn chế sử dụng chất làm sạch như dầu gội, sữa tắm, sữa rửa mặt,…trong thời gian điều trị viêm da
- Không tự ý mua thuốc bôi ngứa về sử dụng. Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước
- Mang mặc trang phục thoải mái, tránh đồ bó sát vào vùng da bị mẩn ngứa
Biện pháp phòng ngừa viêm da tiếp xúc hiệu quả
Viêm da tiếp xúc khác với dị ứng ngoài da thông thường, điều trị có phần phức tạp hơn và lâu dài hơn. Ngoài ra, nguy cơ để lại sẹo cũng như gây ra biến chứng rất có thể xảy ra. Do đó, thực hiện các biện pháp phòng ngừa là điều cần thiết.
- Vệ sinh cơ thể mỗi ngày, tắm rửa ít nhất 1 lần hàng ngày, thay quần áo sau khi từ ngoài trở về
- Vệ sinh nhà ở, phun thuốc diệt côn trùng quanh nhà nếu cần (nhất là khu vực nhà sát đồi, nhiều cây cối)
- Thường xuyên vệ sinh chăn gối, khu vực nghỉ ngơi khác của gia đình
- Mang mặc trang phục bảo vệ phù hợp khi ra ngoài đường
- Bôi kem chống nắng có khả năng chống tia UV tốt khi ra ngoài
- Nếu có bất kỳ triệu chứng ngoài da nào như mẩn đỏ, nổi ngứa,….diễn tiến nghiêm trọng, nên đi khám ngay, không tự ý dùng thuốc
- Nếu làm việc trong môi trường phải tiếp xúc với hóa chất, người bệnh nên mang găng tay và đồ bảo hộ đảm bảo an toàn
- Hạn chế uống nhiều đồ uống có cồn và hút thuốc lá, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe vừa có nguy cơ tái phát tình trạng viêm da
- Thường xuyên luyện tập thể thao, vận động hàng ngày nâng cao sức đề kháng, giúp cơ thể dẻo dai, phòng ngừa bệnh tật
Bài viết trên đây đã cung cấp cho người bệnh những thông tin cơ bản nhất về bệnh lý viêm da tiếp xúc. Người bệnh nên chủ động đi thăm khám từ sớm để có hướng điều trị phù hợp, tránh để lại biến chứng. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa cũng là biện pháp ngăn chặn những tình trạng này xảy ra.