Hắc lào là bệnh da liễu khá phổ biến ở nước ta và có thể xuất hiện ở mọi vị trí. Trong đó hắc lào ở háng là tình trạng khá khó điều trị và dễ lây lan đến vùng kín, gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, hãy cùng đón đọc ngay bài viết sau đây của VN Medipharm.
Nguyên nhân gây hắc lào ở háng
Hắc lào là một trong những dạng nấm ngoài da phổ biến nhất hiện nay. Nguyên nhân dẫn đến bệnh hắc lào ở háng do loại bào tử nấm thuộc nhóm Dermatophytes và chúng có thể gây nhiễm trùng da trong một số điều kiện nhất định.
Dermatophytes là tên gọi chung của các bào tử nấm cần keratin để phát triển. Các loại nấm này có xu hướng xuất hiện tại bề mặt của tóc hay háng,…
Đồng thời, chúng sẽ sinh sôi thuận lợi hơn khi ở trong môi trường nóng ẩm. Vì vậy, người bị hắc lào có xu hướng bị nhiễm trùng ở háng nếu có các yếu tố:
- Đổ nhiều mồ hôi tại háng: Tuyến mồ hôi hoạt động mạnh tại háng là điều kiện rất thuận lợi đối với các bào tử nấm. Vùng háng là nơi kín đáo, khi đổ mồ hôi thường lưu giữ độ ẩm lâu nên giúp bào tử nấm có thể phát triển nhanh chóng.
- Thừa cân, béo phì: Thừa cân béo phì không chỉ khiến cơ thể dễ đổ mồ hôi mà nó còn tạo ra nhiều nếp gấp tại háng, khiến làn da của háng thường xuyên bị ma sát và trở nên bí bách hơn.
- Mặc đồ lót quá chật: Đồ lót quá chật khiến cho vùng háng nhanh chóng bị nóng ẩm, tiết nhiều mồ hôi và thoát mồ hôi kém. Từ đó nấm, khuẩn có môi trường thuận lợi hơn để phát triển và gây bệnh.
- Vệ sinh kém: Vệ sinh cá nhân kém tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển nhanh để gây nhiễm trùng da.
- Hệ miễn dịch kém: Ở những người có hệ miễn dịch suy yếu, khả năng kháng khuẩn kháng viêm thường rất kém, thường không đủ sức để chống chọi lại các vi sinh gây hại như nấm.
Ngoài ra, người khỏe mạnh có thể mắc bệnh nếu phát sinh quan hệ tình dục với người đang bị hắc lào ở háng. Các bào tử nấm ký sinh trên da có thể trực tiếp lây lan từ người sang người, thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc dùng chung đồ vật cá nhân với người bệnh.
Triệu chứng bệnh hắc lào ở háng
Tương tự như các dạng hắc lào khác, hắc lào tại háng cũng có đầy đủ các triệu chứng như:
- Các đốm màu đỏ hồng: Các chủng nấm ngoài da thường tạo thành các nốt sần đỏ, tương tự như phát ban. Tuy nhiên, các vết hắc lào thường có màu đỏ hồng, dần ngả sang nâu. Ban đầu, các vết hắc lào thường có hình tròn, mọc riêng lẻ. Sau đó, chúng có thể liên kết tạo thành một mảng đỏ sậm lớn và lan rộng khắp vùng háng.
- Cảm giác ngứa ngáy, nóng rát ở háng: Đặc trưng của các bệnh da liễu do nấm là cảm giác ngứa ngáy, bứt rứt khó chịu, khiến người bệnh phải chà xát, gãi ngứa để làm giảm cảm giác khó chịu. Vùng da có thể bị tổn thương nghiêm trọng hơn do xước xát và người bệnh có cảm giác nóng rát, xót da.
- Da bị bong tróc, có vảy trắng: Các vùng da bị tổn thương có thể trở nên khô cứng và tróc vảy sau một thời gian. Ở một số người bệnh có xuất hiện thêm mụn nước phồng rộp, khi vỡ sẽ để lại lớp da chết vảy trắng.
Các triệu chứng của bệnh hắc lào ở háng có xu hướng nghiêm trọng hơn vào mùa hè, khi thời tiết ngày càng nóng ẩm. Người bệnh có cảm giác ngứa dữ dội mỗi khi đổ mồ hôi hoặc vào ban đêm.
Việc chà xát hoặc gãi ngứa sẽ làm giảm sự khó chịu do nấm gây ra. Tuy nhiên, cảm giác ngứa ngáy có thể bùng phát dữ dội hơn sau đó.
Làn da cũng dễ bị tổn thương và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn thứ phát. Vì vậy, người bệnh không nên gãi ngứa, ma sát da mà cần thực hiện các biện pháp điều trị giúp thuyên giảm triệu chứng.
Bệnh hắc lào ở háng nguy hiểm không?
Bệnh hắc lào ở háng không ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng. Tuy nhiên, bệnh có thể gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt thường ngày cũng như kéo theo các vấn đề sức khỏe khác.
Cảm giác ngứa ngáy, khó chịu có thể khiến người bệnh bị bứt rứt không yên, khó tập trung làm việc. Vùng háng cũng là vị trí tương đối đặc biệt, có thể khiến người bệnh bị tự ti, làm giảm ham muốn tình dục ở cả nam và nữ.
Thêm vào đó, việc nhiễm trùng da háng có thể dẫn đến các bệnh lý nam khoa, phụ khoa khác:
- Viêm đường tiết niệu.
- Viêm bao quy đầu.
- Viêm phụ khoa.
- Viêm âm đạo.
Do đó, người bệnh cần nhanh chóng điều trị bệnh hắc lào ở háng càng sớm càng tốt. Bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu người bệnh tiếp nhận điều trị sớm và tuân thủ tốt phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa.
Cách trị bệnh hắc lào ở háng tại nhà hiệu quả
Bệnh hắc lào ở háng có thể điều trị bằng các biện pháp dân gian, thuốc đông – tây y. Người bệnh căn cứ vào thể trạng sức khỏe, mức độ tổn thương của da để lựa chọn phương hướng điều trị phù hợp.
Chữa bệnh hắc lào ở háng tại nhà
Có rất nhiều bài thuốc dân gian cho hiệu quả tốt trong điều trị bệnh hắc lào. Chẳng hạn như chuối xanh, nghệ tươi, dầu dừa, tỏi… vì chúng đều chứa nhiều hoạt chất quý giúp chống viêm, diệt nấm, tái tạo vùng da bị tổn thương.
Người bệnh có thể tham khảo cách bào chế bài thuốc trị hắc lào ở háng tại nhà như sau:
- Chuối xanh: Chuối xanh sau khi rửa sạch thì cắt thành từng lát mỏng và trực tiếp chà xát lên vùng da bị nhiễm nấm. Sau khoảng 15 phút thì rửa sạch bằng nước ấm.
- Bột nghệ: Bột nghệ và dầu dừa pha với nhau thành một dung dịch đặc sệt, đắp lên da trong khoảng 15 phút rồi rửa lại với nước sạch.
- Tỏi: Đem vài tép tỏi xay nhuyễn để chắt lấy nước cốt thoa lên vùng da bị tổn thương. Sau khoảng 15 phút thì rửa sạch bằng nước ấm.
Trước khi áp dụng các bài thuốc dân gian trên, người bệnh cần vệ sinh sạch sẽ vùng háng, lau bằng khăn khô mềm. Điều này sẽ giúp vùng da bị tổn thương hấp thụ các dưỡng chất tốt nhất và tránh tình trạng nhiễm trùng, bệnh chuyển biến theo chiều hướng xấu.
Các biện pháp dân gian chỉ thực hiện trong trường hợp hắc lào ở háng nhẹ, vùng da bị tổn thương ít và chưa bị lan rộng. Nếu tình trạng nhiễm trùng nặng, tổn thương da nghiêm trọng thì người bệnh cần đến các cơ sở y tế thăm khám cẩn thận, tiến hành điều trị chuyên sâu.
Thuốc tây y chữa hắc lào
Phác đồ điều trị hắc lào ở háng của tây y có sự kết hợp thuốc kháng sinh với thuốc kháng nấm dạng bôi hoặc dạng uống.
Trong đó, thuốc kháng nấm dạng bôi được chỉ định nhiều nhất do tác động cục bộ lên vùng da bị tổn thương và diệt nấm nhanh chóng. Đồng thời, nó còn có tác dụng ngăn ngừa viêm nhiễm, tổn thương da trên diện rộng.
Ngoài thuốc dạng bôi, dung dịch cồn cũng có tác dụng tương tự và được chỉ định để sát khuẩn nhanh, làm giảm các triệu chứng ngứa ngáy, nóng rát do hắc lào ở háng.
Nếu người bệnh bị tổn thương nghiêm trọng, lan rộng thì bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc đường uống.
Hiện nay, thuốc điều trị hắc lào ở háng được chỉ định nhiều nhất bao gồm:
- Thuốc dạng bôi: Thuốc dạng bôi có tính kháng viêm, tác dụng tại chỗ để giảm nhanh cảm giác ngứa ngáy và chống nhiễm trùng lan rộng. Các loại thuốc thường được kê bao gồm Econazol Nitrate 1%, Nizoral (ketoconazol), Miconazol (imidazol)…
- Thuốc dạng uống: Thuốc dạng uống được chỉ định trong những trường hợp da bị tổn thương trên diện rộng và người bệnh không đáp ứng tốt với các dạng thuốc bôi. Bác sĩ thường chỉ định cho người bệnh Fluconazole, Sporal, Griseofulvin…
- Dung dịch cồn: Dung dịch cồn có dược tính tương tự với các loại thuốc dạng bôi, thường chứa các thành phần như Acid benzoic, Acid acetylsalicylic, Natri salicylat…
Mặc dù có tác dụng nhanh chóng trên triệu chứng nhưng thuốc tây y luôn đi kèm nhiều tác dụng phụ. Người bệnh có thể bị dị ứng nếu mẫn cảm với các thành phần của thuốc.
Một số loại thuốc chống chỉ định cho người dưới 16 tuổi và trên 60 tuổi. Vì vậy, người bệnh không nên tự ý mua thuốc về điều trị nếu không có chỉ định của bác sĩ.
Quá trình sử dụng thuốc phải tuân thủ tuyệt đối theo phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa để tránh tình trạng dùng quá liều, gặp tác dụng phụ.
Đông y trị hắc lào ở háng
Theo quan điểm của đông y, hắc lào là bệnh do chứng huyết táo, nhiệt độc phát từ trong ra ngoài. Người bệnh thường có biểu hiện hư tổn đỏ da, nổi cộm theo từng đám.
Do đó, đông y trị bệnh theo phép thanh nhiệt giải độc, lương huyết hóa ban để loại bỏ tận gốc hắc lào ở háng. Người bệnh có thể tham khảo một số bài thuốc đông y chữa bệnh hiệu quả như:
- Kim thị tiêu ngân giải: Xích thược 20g, ngân hoa 15g, hải đồng bì 12g, toàn yết 6g, bản lam căn 25g. Thủy ngưu giác phiến, bạch tiễn bì, sinh địa, tao hưu, tử hoa địa hinh, thổ phục linh 30g.
- Thổ phục linh hoàn: Bạch tiễn bì, hoàng dược tử mỗi vị 12,5g. Thổ phục 31g. Sơn đậu căn, thảo hà xa, hạ khô thảo mỗi vị 25g.
Các vị thuốc đông y có thể được gia giảm tùy theo cơ địa người bệnh nhằm bảo đảm thuốc trị đúng thể, người bệnh hấp thụ thuốc tốt. Để có bài thuốc phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe, người bệnh nên đến các trung tâm đông y chẩn mạch và bốc thuốc trực tiếp,
Biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả
Để giúp người khỏe mạnh ngăn ngừa bệnh hắc lào ở háng cũng như phòng chống tái phát sau điều trị, bạn đọc nên thực hiện tốt các biện pháp:
- Tuyệt đối không dùng chung đồ vật, quan hệ tình dục với người đang bị hắc lào ở háng.
- Không mặc quần áo bó sát, nên lựa chọn chất liệu vải thấm hút mồ hôi tốt.
- Vệ sinh thân thể sạch sẽ, hạn chế sử dụng các hóa chất mạnh gây kích ứng và làm yếu da.
- Giữ thể trọng ở mức vừa phải, giảm cân nếu đang bị béo phì, thừa cân.
- Giữ quần áo sạch sẽ, không để bị nấm mốc, sử dụng chất giặt tẩy giúp diệt khuẩn hoặc sử dụng nước nóng để giặt đồ lót.
- Bổ sung nhiều thực phẩm tăng cường sức đề kháng và tốt cho làn da: thực phẩm chứa vitamin C, E, B1, B12…
- Hạn chế tiêu thụ các thực phẩm gây hại cho hệ miễn dịch: rượu, bia, chất kích thích, thực phẩm cay nóng khiến cơ thể tiết nhiều mồ hôi…
Hắc lào ở háng càng để lâu thì tổn thương trên da càng lan rộng. Cho nên người bệnh cần tiếp nhận điều trị từ sớm , phòng tránh bệnh diễn tiến theo chiều hướng xấu. Ngoài phương pháp điều trị, người bệnh cũng cần kết hợp tốt chế độ ăn uống, sinh hoạt để làn da được phục hồi nhanh chóng hơn.