Chàm ở trẻ sơ sinh là bệnh ngoài da phổ biến, các triệu chứng của bệnh gây ra tình trạng nứt nẻ, khô ráp, bong tróc da khiến đau rát và tạo điều kiện khởi phát các bệnh lý da liễu khác. Do đó, ba mẹ cần nắm rõ các thông tin về bệnh chàm cũng như các biện pháp điều trị an toàn và phòng ngừa bệnh tái phát ở trẻ.
Bệnh chàm ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?
Bệnh chàm Eczema là tình trạng khô da, thường xuất hiện ở trẻ từ 0 – 6 tháng tuổi và có xu hướng thuyên giảm khi trẻ trưởng thành. Khi bị bệnh chàm, da của bé sẽ xuất hiện những vùng da bị khô ráp, bong tróc gây ngứa ngáy, một số trường hợp gây nứt nẻ da và chảy máu.
Các triệu chứng bệnh chàm ở trẻ sơ sinh thường tập trung ở những vùng da có nếp gấp như cổ tay, khuỷu tay, đầu gối, xung quanh cổ và đầu của bé. Tuy nhiên, các tổn thương da do chàm cũng có thể xuất hiện bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể của trẻ, bao gồm cả khuôn mặt.
Đa số các trường hợp trẻ sơ sinh bị chàm đều không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh sẽ khiến bé ngứa ngáy, đau rát khó chịu ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và sinh hoạt.
Ngoài ra, trẻ sơ sinh bị bệnh chàm sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như viêm mũi dị ứng, hen suyễn hoặc mắc cùng lúc cả hai bệnh. Vì vậy, nếu nhận thấy các dấu hiệu của bệnh chàm ở trẻ sơ sinh, bạn nên nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được tiến hành thăm khám và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh chàm ở trẻ sơ sinh
Hiện nay y học vẫn chưa thể tìm ra căn nguyên chính xác gây ra các thể chàm, bao gồm bệnh chàm ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu và điều trị, các chuyên gia đã ghi nhận được có khoảng 5% trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc phải bệnh lý này, nhưng nếu trẻ có người thân mắc bệnh chàm thì tỷ lệ này sẽ tăng lên 30%. Từ đó cho thấy, bệnh chàm ở trẻ sơ sinh có mối liên quan mật thiết đến yếu tố di truyền.
Ngoài ra, các triệu chứng bệnh chàm ở trẻ sơ sinh có thể bùng phát mạnh hơn khi bé tiếp xúc với các tác nhân có nguy cơ gây kích thích phản ứng dị ứng như:
- Các sản phẩm tắm gội, xà phòng, chất tẩy rửa và chăm sóc da không đúng cách.
- Trẻ bị dị ứng với phấn hoa, lông động vật hoặc mạt bụi.
- Quần áo làm bằng len, vải tổng hợp và có chứa thuốc nhuộm hóa chất rất dễ gây kích ứng da bé.
- Dị ứng với các thực phẩm gây kích ứng như sữa, trứng, đậu phộng, đậu nành, lúa mì.
- Thời tiết thay đổi đột ngột cũng là yếu tố khiến bùng phát các triệu chứng bệnh chàm ở trẻ sơ sinh.
Bệnh chàm ở trẻ sơ sinh thường có xu hướng bùng phát ở những khoảng thời gian nhất định như khi trẻ mọc răng, ngủ không đủ giấc, bị cảm lạnh,…Ngoài ra, khi bé bị chàm cũng sẽ dễ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng da như mụn rộp, viêm mô tế bào, chốc lở.
Tình trạng này nếu không được khắc phục kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Do đó, khi nhận thấy các biểu hiện bệnh chàm hoặc nhiễm trùng da, bạn nên đưa bé đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
Các phương pháp điều trị bệnh chàm ở trẻ sơ sinh
Dựa vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng bệnh chàm và độ tuổi mà bác sĩ chuyên khoa sẽ có các biện pháp điều trị phù hợp, mang lại kết quả tốt nhất và đảm bảo an toàn cho bé.
Dưới đây là một số phương pháp cải thiện các triệu chứng bệnh chàm thường được áp dụng phổ biến:
Dưỡng ẩm da cho bé
Đối với trường hợp trẻ sơ sinh bị chàm thì việc dưỡng ẩm da là điều vô cùng cần thiết. Các hoạt chất có trong các sản phẩm dưỡng da sẽ giúp tăng cường độ ẩm cho làn da của bé, tránh tình trạng da khô ráp, nứt nẻ, bong tróc đau rát khó chịu. Các sản phẩm này được bào chế dưới các dạng như dung dịch loãng, kem, thuốc mỡ, sữa tắm chuyên dành cho trẻ sơ sinh có làn da nhạy cảm.
Da của bé cần được dưỡng ẩm và làm mềm mỗi ngày, kể cả lúc không bị bệnh chàm. Ba mẹ nên thực hiện dưỡng ẩm mỗi ngày 2 lần ngay sau khi tắm cho bé, để giúp các dưỡng chất thấm sâu vào da bé, ngăn tình tình trạng khô ráp hiệu quả.
Ngoài ra, bạn cũng nên thường xuyên thay tã lớt, nhất là sau khi bé đi vệ sinh để tránh gây kích ứng da bé dẫn đến các triệu chứng bệnh chàm bùng phát mạnh hơn.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm dưỡng ẩm và làm mềm da bé, bạn nên lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, không chất tạo mùi, tạo màu vì có thể gây kích ứng dị ứng. Tốt nhất ba mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để lựa chọn sản phẩm dưỡng ẩm phù hợp với tình trạng da của bé.
Băng kín vùng da bị chàm
Trường hợp bé bị bệnh chàm nghiêm trọng, bác sĩ có thể yêu cầu quấn hoặc băng kín vùng da bị tổn thương này. Cách này có tác dụng giúp giữ được lượng kem dưỡng ẩm hay thuốc mỡ lâu hơn trên da bé. Ngoài ra, biện pháp này cũng giúp duy trì độ ẩm cần tự nhiên và tránh để bé cào gãi làm trầy xước vùng da bị chàm.
Biện pháp băng kín vùng da bị chàm sẽ được chỉ định và hướng dẫn từ bác sĩ điều trị. Do đó, ba mẹ tránh tự ý băng quấn lên vùng da tổn thương của trẻ khi chưa được tư vấn cụ thể cũng như các thực hiện.
Dùng kem có chứa Corticoid
Các loại kem có chứa corticoid thường được chỉ định để cải thiện các triệu chứng bệnh chàm ở trẻ sơ sinh. Có rất nhiều các loại thuốc bôi có chứa thành phần này có sẵn trên thị trường. Tuy nhiên, ba mẹ tránh tự ý sử dụng thuốc bôi có chứa Corticoid cho bé, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được kê đơn phù hợp với tình trạng bệnh và độ tuổi của bé.
Ngoài ra, ba mẹ cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng cũng như thời gian dùng thuốc để kiểm soát các triệu chứng của bệnh và phòng ngừa tái phát.
Việc lạm dụng các thuốc bôi chứa Corticoid có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn như bị mỏng da, teo da, giãn mao mạch, da bị biến đổi sắc tố, dày sừng,…Phần lớn các tác dụng phụ này sẽ được cải thiện sau khi bé nhưng dùng thuốc điều trị.
Vì vậy, bạn nên theo dõi xuyên suốt quá trình điều trị để có thể trao đổi với bác sĩ về tình trạng bệnh của bé và được chỉ định sử dụng thuốc hợp lý.
Sử dụng các thuốc kháng Histamin
Những loại thuốc kháng Histamin thường ít được chỉ định trong điều trị bệnh chàm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, một số trường hợp các triệu chứng của bệnh lý khiến trẻ mất ngủ hoặc các cơn ngứa ngáy bùng phát dữ dội về đêm, lúc này bác sĩ sẽ kê các loại thuốc kháng histamin.
Thuốc có tác dụng giảm viêm, cải thiện tình trạng ngứa ngáy và giúp bé ngủ ngon hơn. Ba mẹ lưu ý không tự ý sử dụng hoặc lạm dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Sử dụng chất ức chế hệ miễn dịch
Đối với các trường hợp bệnh chàm ở trẻ sơ sinh đặc biệt nghiêm trọng hoặc các biện pháp điều trị trên không đáp ứng được. Lúc này bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng các chất gây ức chế hệ miễn dịch. Những loại thuốc này có khả năng làm giảm hệ thống miễn dịch của trẻ, hạn chế các phản ứng quá mức với các tác nhân vô hại, từ đó cải thiện các triệu chứng bệnh chàm ở trẻ sơ sinh.
Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp trẻ sơ sinh bị bệnh chàm không được thực hiện phương pháp này để tránh gây ra các tác dụng phụ không mong muốn cũng như những rủi ro.
Vì vậy, trước khi sử dụng các chất ức chế hệ miễn dịch cho trẻ sơ sinh, ba mẹ và bác sĩ điều trị cần trao đổi kỹ về những lợi ích và rủi ro rủi ro mà phương pháp mang lại. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch cần được hướng dẫn và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên môn.
Áp dụng phương pháp quang trị liệu
Phương pháp quang trị liệu hay trị liệu ánh sáng được tiến hành bằng cách sử dụng các tia UV chiếu trực tiếp lên vùng da tổn thương của bé để cải thiện các triệu chứng bệnh chàm gây ra.
Tuy nhiên, liệu pháp này thường không được chỉnh định cho trẻ sơ sinh vì có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thống xương và chiều cao của trẻ, da trẻ cũng sẽ trở nên nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời.
Biện pháp phòng ngừa bệnh chàm ở trẻ sơ sinh
Song song với việc áp dụng các phương pháp điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, ba mẹ nên thực hiện một số biện pháp hỗ trợ quá trình điều trị mang lại hiệu quả tốt nhất, đồng thời ngăn ngừa các triệu chứng bệnh chàm tái lại nhiều lần.
Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa bệnh chàm ở trẻ sơ sinh mà bạn có thể tham khảo:
- Để ngăn ngừa bệnh chàm ở trẻ sơ sinh đạt hiệu quả bạn cần dưỡng ẩm cho làn da nhạy cảm của bé. Điều này sẽ giúp hỗ trợ tăng cường sức đề kháng cho làn da cũng như hàng rào bảo vệ da được chắc chắn hơn.
- Thường xuyên cắt móng tay, móng chân, mang bao tay cho bé để tránh tình trạng bé cào gãi, chà xát làm tổn thương vùng da bị chàm và gây viêm nhiễm.
- Chọn mặc cho trẻ quần áo có chất liệu thấm hút tốt như sợi tự nhiên hoặc cotton. Tránh các trang phục có chất liệu dày, bằng len hoặc vải sợi tổng hợp.
- Sử dụng các sữa tắm, xà phòng dịu nhẹ, có nguồn gốc từ tự nhiên, không chứa chất tạo màu, tạo mùi gây kích ứng. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để lựa chọn các sản phẩm phù hợp với làn da nhạy cảm của bé.
- Dùng các loại xà phòng, nước xả vải, nước tẩy rửa không chứa các thành phần gây kích ứng da bé. Ngoài ra, bạn nên xả sạch các chất tẩy rửa trên quần áo của trẻ để tránh tình trạng kích ứng da.
- Có thể kết hợp máy tạo độ ẩm không khí trong phòng ngủ của bé để hạn chế không khí khô khiến da bé bị khô ráp và làm bùng phát các triệu chứng bệnh chàm.
- Hạn chế để bé tiếp xúc với các vật nuôi trong nhà vì lông của chúng có thể khiến các triệu chứng bệnh chàm ở trẻ sơ sinh bùng phát mạnh mẽ hơn. Nên thường xuyên vệ sinh, tiêm ngừa cho vật nuôi để tránh các bụi bẩn, vi khuẩn có hại.
- Kiêng các loại thực phẩm có thể gây bùng phát bệnh chàm ở trẻ.
Chàm ở trẻ sơ sinh là bệnh lý khá phổ biến, các triệu chứng của bệnh có thể kiểm soát và phòng ngừa hiệu quả nếu bạn áp dụng các phương pháp điều trị và chăm sóc đúng cách. Vì vậy, khi bé có dấu hiệu bệnh chàm, ba mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được tư vấn và áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp.