Mụn cóc là các nốt sần do virus u nhú ở người (HPV) gây ra. Mụn cóc thường xuất hiện trên tay và có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác như bàn chân, mặt, bộ phận sinh dục và đầu gối. Hầu hết mụn cóc thông thường có thể tự biến mất, tuy nhiên hiện nay một số phương pháp đốt mụn cóc có thể điều trị hiệu quả, tránh mụn lan rộng ra vùng da khác.
Cùng tìm hiểu một số phương pháp đốt mụn cóc (đốt mụn cơm) và những lưu ý sau điều trị qua bài viết dưới đây!
Các phương pháp đốt mụn cóc
Vì tính thẩm mỹ và mục đích ngăn chặn tình trạng lan rộng của mụn cóc, tuỳ vào tình trạng da, bác sĩ có thể đề nghị một số phương pháp phá hủy mụn cóc như:
- Đốt điện: dùng nhiệt lượng từ dòng điện để tiêu hủy mụn cóc
- Laser phá hủy dùng quang nhiệt nhờ sự hấp thụ ánh sáng laser bởi nước tạo ra nhiệt lượng phá hủy mụn cóc.
- Laser đích hấp thụ bởi chất màu Hemoglobin từ các mạch máu nuôi mụn cóc để phá hủy mạch làm mụn cóc tiêu dần đi. Với phương pháp laser này, không cần chăm sóc vết thương hàng ngày, không gây đau và không cần thời gian nghỉ dưỡng nhưng bạn phải làm nhiều lần từ 3-5 lần với khoảng cách 4-6 tuần/ lần. Các laser trong nhóm này thường được dùng là Laser xung dài Nd:YAG 1064 nm, Alexandrite 755nm hoặc màu xung PDL 595nm.
Đốt điện mụn cóc
Đốt điện mụn cóc là phương pháp sử dụng dòng điện để tiêu hủy mụn cóc và loại bỏ các khối u không mong muốn.
Các bước thực hiện phương pháp đốt điện:
- Đầu tiên, bác sĩ hoặc chuyên viên y tế sẽ tiêm thuốc tê cục bộ vùng da xung quanh mụn cóc.
- Bác sĩ sẽ tiến hành sử dụng một điện tích được truyền qua đầu kim, làm khô và đốt cháy mô mụn cóc.
Cơ chế hoạt động của đốt điện mụn cóc:
Dòng điện có nhiều năng lượng nhiệt giúp loại bỏ các mô, làm biến dạng protein quan trọng và các cấu trúc khác, tiêu diệt các tế bào không mong muốn. Nhờ cơ chế này mà đốt điện là một phương pháp hiệu quả để điều trị mụn cóc cũng như các khối u khác trên da.
Lưu ý:
- Đốt điện phù hợp điều trị cho vùng da có một hoặc một vài mụn cóc nhỏ.
- Đốt điện không áp dụng cho các vùng mụn cóc lớn.
- Đốt điện thường để lại sẹo và mụn cóc có thể quay trở lại sau khi điều trị.
Đốt laser mụn cóc
Cơ chế hoạt động đốt laser mụn cóc
Đốt mụn cóc bằng laser là phương pháp sử dụng một chùm ánh sáng có bước sóng cụ thể hấp thụ các tế bào có màu của mô và chuyển thành năng lượng nhiệt phá hủy mô có chọn lọc.
Các bước tiến hành đốt laser mụn cóc:
- Bác sĩ kiểm tra tình trạng mụn cóc.
- Nhân viên y tế sử dụng thuốc gây tê cục bộ hoặc toàn thân cho người bệnh, tùy thuộc vào số lượng mụn cóc cần loại bỏ, kích thước và vùng da thực hiện.
- Bác sĩ sử dụng công nghệ laser để phá hủy mô mụn cóc. Lưu ý đây là phương pháp cần được bác sĩ có chuyên môn da liễu thực hiện để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị.
Đốt laser mụn cóc phù hợp với trường hợp:
- Người bệnh sau khi sử dụng thuốc bôi loại bỏ mụn cóc không hiệu quả
- Mụn cóc lớn hoặc lan rộng
Những lưu ý khi thực hiện đốt mụn cóc
Một số rủi ro trong quá trình đốt mụn cóc có thể xảy ra tuỳ vào phương pháp đốt mụn cóc như:
- Đốt điện mụn cóc: Để lại sẹo và mụn cóc có thể quay trở lại sau khi điều trị.
- Đốt laser mụn cóc: Đốt laser mụn cóc có đau không? Có. Bệnh nhân có thể đau trong và sau khi điều trị; thay đổi sắc tố da và có thể để lại sẹo.
Trước khi tiến hành đốt mụn cóc, bạn cần tìm hiểu về mụn cóc, các phương pháp điều trị và cần có sự kiểm tra, chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt, khi quyết định điều trị mụn cóc bằng các phương pháp trên, bạn cần tìm tới các bệnh viện, phòng khám uy tín, cũng như phải là bác sĩ da liễu có chuyên môn trực tiếp tiến hành điều trị mụn cóc.
Chăm sóc da sau khi đốt mụn cóc
Để thúc đẩy quá trình lành vết thương sau khi đốt mụn nhanh hơn, bạn nên lưu ý một số điều sau:
- Sử dụng thuốc kê đơn theo chỉ định của bác sĩ da liễu. Mụn cóc thường sẽ tự biến mất khi hệ thống miễn dịch của bạn khỏe mạnh. Nếu để mụn cóc tự biến mất sẽ cần mất một thời gian dài, trong khi đó, virus gây mụn cóc có thể lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Điều này có thể dẫn đến mụn cóc lây lan và phát triển rộng hơn. Vì vậy, hãy theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ để rút ngắn thời gian điều trị và hồi phục nhanh chóng.
- Không tác động lên vết thương hay mụn cóc vừa đốt.
- Rửa tay ngay sau khi chạm vào mụn cóc để ngăn ngừa lây lan virus sang các bộ phận khác của cơ thể và cho người khác.
- Không gãi, cạy vết thương. Hãy để vết thương được lành một cách tự nhiên.
Các phương pháp đốt mụn cóc trên có thể giúp điều trị mụn cóc hiệu quả và an toàn nếu bạn thực hiện đúng quá trình điều trị và chăm sóc da. Tuỳ vào tình trạng mụn cóc mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau. Hy vọng bạn đọc đã có thêm thông tin hữu ích về các phương pháp đốt mụn cóc và cách chăm sóc phù hợp.