Bệnh chàm tai là một trường hợp của bệnh chàm, các triệu chứng của bệnh gây khô ráp, bong tróc da ở xung quanh ống tai và bên trong tai. Bệnh chàm tai nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng như nhiễm trùng, viêm ống tai cấp tính.
Bệnh chàm tai là gì?
Các triệu chứng của bệnh chàm có thể xuất hiện bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, bao gồm ở tai. Chàm tai khởi phát với các biểu hiện ngứa ngáy, phát ban đỏ, kích ứng bên ngoài ống tai và bên trong tai. Bệnh đôi khi xuất hiện mà không bị tác động bởi bất kỳ yếu tố nào.
Tuy nhiên, với các trường hợp người bị vảy nến, viêm da bã tiết sẽ có nguy cơ mắc bệnh chàm tai cao hơn người bình thường. Bên cạnh đó, khi tiếp xúc trực tiếp với xà phòng, các chất kích thích, thuốc nhuộm tóc, các trang sức bằng kim loại cũng làm tăng nguy cơ bùng phát các triệu chứng chàm tai.
Thông thường, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sẽ có xu hướng bị chàm ở mặt và tai. Bệnh không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh và không có nguy cơ lây nhiễm.
Các loại chàm tai phổ biến
Có 3 thể chàm phổ biến gây ảnh hưởng đến tai như sau:
Chàm da: Bệnh thường phổ biến ở người cao tuổi và có liên quan mật thiết đến việc thay đổi thời tiết đột ngột.
Chàm dị ứng: Bệnh khởi phát đi kèm với các triệu chứng khô da, ngứa ngáy, đỏ rát và xuất hiện các vết nứt ở mặt và dái tai. Các tổn thương cũng có thể xuất hiện phía sau tai và ống tai.
Bệnh chàm bã nhờn: Các triệu chứng thường khu trú ở vùng da cổ, da đầu, cổ, tai và phía sau tai.
Biểu hiện nhận biết bệnh chàm tai
Cũng giống với bệnh chàm, chàm tai khởi phát với các dấu hiệu nhận biết như:
- Da bị khô ráp, đóng vảy ở ống tai và xung quanh tai
- Vùng da bị tổn thương có dấu hiệu chuyển sang màu hồng nhạt hoặc màu đỏ
- Vùng da xung quanh tai bị đỏ, sưng viêm
- Gây ngứa ngáy ở bên trong ống tai hoặc xung quanh tai
- Xuất hiện chất dịch lỏng chảy ra từ tai
Ngoài ra, các biểu hiện của bệnh chàm tai cũng có thể tác động đến các vị trí ở gáy, sau tai, vùng kết nối đầu – cổ – tai.
Phần lớn các trường hợp đều có các triệu chứng bệnh chàm tai tiến triển từ nhẹ đến nghiêm trọng. Khi bệnh trở nên nghiêm trọng thường có các biểu hiện như:
- Vùng da bị tổn thương bị đỏ, sưng, có thể đổi màu
- Làn da khô ráp, trở nên nhạy cảm và rất dễ bị kích thích gây đau rát, khó chịu
- Khu vực da bị chàm có thể bị nứt nẻ hoặc chảy máu
- Bị nhiễm trùng da bên trong ống tai
Các triệu chứng bệnh chàm tai có thể gây ngứa ngáy, khó chịu. Người bệnh nên hạn chế chà xát, cào gãi lên vùng da bị tổn thương vì có thể khiến da tổn thương nghiêm trọng hơn và gây bội nhiễm.
Nguyên nhân gây bệnh chàm tai
Tương tự như bệnh chàm, hiện nay y học vẫn chưa xác định được căn nguyên dẫn đến chàm tai. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đột biến gen di truyền được cho là yếu tố liên quan đến bệnh chàm tai.
Hiện tượng đột biến gen di truyền có thể tác động đến protein có tên Filaggrin. Chất này có nhiệm vụ bảo vệ làn da. Vì vậy, khi bị đột biến gen này sẽ khiến da dễ bị kích ứng hơn, gây viêm nhiễm.
Các trường hợp bệnh chàm thường có hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức. Do đó, khi gặp các yếu tố kích ứng sẽ dẫn đến hệ thống miễn dịch phản ứng và gây ra biểu hiện viêm da.
Bên cạnh đó, bệnh chàm tai còn có nguy cơ bùng phát bởi các yếu tố sau:
- Sử dụng các chất tẩy rửa, xà phòng không phù hợp với làn da hoặc khăn lau không vệ sinh
- Dị ứng da thông thường
- Sử dụng những trang sức bằng kim loại có nguy cơ gây kích ứng như Niken
- Sử dụng khăn lau mặt có chất liệu vải thô và dễ gây kích ứng
- Căng thẳng, áp lực tâm lý trong thời gian dài
- Tiếp xúc trực tiếp với khói thuốc lá hoặc hút thuốc
- Nhiễm trùng
Chẩn đoán bệnh chàm tai
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh chàm tai bằng cách thông qua các triệu chứng của bệnh và dùng dụng cụ y khoa kiểm tra tai. Một số trường hợp bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các xét nghiệm da, có thể chẩn đoán bệnh chàm chính xác hoặc để xác định yếu tố gây ra chàm tai.
Bên cạnh đó, dựa vào tiền sử bệnh lý của bệnh nhân mà bác sĩ có thể yêu cầu sinh thiết tai. Được tiến hành bằng cách lấy một mẫu mô ở vùng da bị bệnh và tiến hành kiểm tra dưới kính hiển vi. Sinh thiết da giúp bác sĩ có thể loại bỏ các bệnh lý tương tự như viêm da bã tiết, bệnh vảy nến.
Các phương pháp điều trị bệnh chàm tai
Dựa vào mức độ nghiêm trọng và các yếu tố gây bùng phát các triệu chứng bệnh chàm tai mà bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp, mang lại kết quả tốt nhất. Dưới đây là một số biện pháp điều trị bệnh chàm tai mà bạn có thể tham khảo:
Các biện pháp chăm sóc tại nhà
Đối với các trường hợp bệnh chàm tai có các triệu chứng ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà và thay đổi thói quen sinh hoạt để cải thiện tình trạng bệnh tốt hơn.
Các biện pháp chăm sóc da tại nhà bao gồm:
- Mỗi đêm trước khi ngủ, bạn nên dùng nước ấm để rửa tai, tránh dùng nước nóng vì có thể gây bỏng da và khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm không mùi, không chứa thành phần gây kích ứng, nên lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên. Mỗi ngày nên thực hiện dưỡng ẩm 2 lần sau khi tắm để cung cấp độ ẩm cần thiết cho da, làm da dịu lại và mềm hơn, cải thiện các triệu chứng bệnh chàm.
- Che chắn tai khi trời chuyển lạnh. Vì ở nhiệt độ lạnh làn da sẽ nhạy cảm và dễ bị kích ứng dẫn đến bùng phát các triệu chứng viêm da.
- Người bệnh chàm tai không sử dụng các loại trang sức, đặc biệt là các trang sức có chất liệu Niken.
- Tránh dung nạp các thực phẩm gây dị ứng hoặc các chất khiến bệnh chàm trở nên nghiêm trọng hơn như: Hải sản, thuốc lá, bia rượu, nước uống có gas,…
- Sử dụng các loại sữa rửa mặt và dầu gội đầu dịu nhẹ, không chứa chất kích thích, thích hợp với da nhạy cảm. Bạn cũng có thể tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị để lựa chọn sản phẩm chăm sóc da phù hợp với tình trạng bệnh.
- Sử dụng các loại kem bôi để làm giảm tình trạng ngứa ngáy, sưng viêm. Các loại kem bôi thường chứa Hydrocortison có hiệu quả trong việc cải thiện các triệu chứng bệnh chàm tai.
Sử dụng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ
Các trường hợp bệnh chàm tai không thể đáp ứng các biện pháp điều trị tại nhà. Lúc này bác sĩ điều trị sẽ chỉ định một số điều trị để kiểm soát các triệu chứng bệnh lý hiệu quả, đồng thời ngăn ngừa bệnh bùng phát dữ dội.
Một số thuốc thường được bác sĩ chỉ định trong trường hợp bị chàm tai như:
- Thuốc nhỏ tai cho trường hợp các triệu chứng xuất hiện trong ống tai
- Thuốc bôi Steroid, thuốc chống nấm và các loại kem bảo vệ da
- Thuốc cải thiện các phản ứng toàn thân do tác động của các yếu tố kích thích và hệ thống miễn dịch
- Áp dụng các liệu pháp sinh học để kiểm soát các phản ứng của hệ miễn dịch
- Thực hiện quang trị liệu và chiếu tia UV lên khu vực da bị chàm để phục hồi vùng da bị tổn thương. Phương pháp này chỉ áp dụng cho các trường hợp bệnh chàm tai ở mức độ nghiêm trọng, không đáp ứng điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, liệu pháp này cũng gây ra một số rủi ro nên thường không được áp dụng rộng rãi.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh chàm tai hiệu quả
Bệnh chàm tai là bệnh ngoài da phổ biến, dễ điều trị. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh thường kéo dài dai dẳng nên sẽ tốn nhiều thời gian và công sức.
Trường hợp các triệu chứng chàm tai nghiêm trọng, gây ngứa ngáy dữ dội và có dấu hiệu nhiễm trùng, lúc này bạn nên chủ động đến bệnh viện để được bác sĩ tiến hành thăm khám và điều trị.
Song song với việc điều trị, người bệnh nên kết hợp các biện pháp phòng ngừa bệnh để tránh tình trạng bệnh tái lại:
- Luôn giữ ẩm cho tai vì khi da khô sẽ tạo điều kiện bùng phát các triệu chứng bệnh chàm và chàm vành tai.
- Sử dụng vaseline hoặc dầu dừa thoa lên vùng da tai giúp dưỡng ẩm và tránh tình trạng kích da.
- Tránh tiếp xúc với không khí khô và lạnh vì có thể gây kích ứng da, ngứa da và làm bùng phát các triệu chứng chàm tai.
- Vệ sinh sạch ống tai và vùng da xung quanh tai bằng nước ấm, sau đó thoa kem dưỡng ẩm để cân bằng độ ẩm cho da tai.
- Tránh sử dụng kẹp, tai nghe hoặc trang sức bằng kim loại vì cũng có thể là những tác nhân gây ra bệnh chàm tai.
Bệnh chàm tai là bệnh ngoài da lành tính, không để lại các biến chứng lâu dài nếu bạn có các biện pháp điều trị và chăm sóc da phù hợp theo chỉ định của bác sĩ. Vì vậy, khi nhận thấy các dấu hiệu của bệnh chàm tai, người bệnh nên chủ động đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.